Tăng tốc hành trình chuyển đổi số quốc gia
Trong năm qua, mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19 nhưng chính những thách thức do dịch bệnh gây ra đã thúc đẩy quá trình chuyển đổi số mạnh mẽ hơn. Chỉ trong thời gian ngắn, công cuộc chuyển đổi số quốc gia đã được lan tỏa sâu rộng trên khắp các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Hoạt động chuyển đổi số đã đạt được những kết quả tích cực ở cả 3 trụ cột chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.
Bên cạnh chất xúc tác là đại dịch Covid-19, sự chuyển biến này nhờ chương trình xúc tiến, thúc đẩy của các cơ quan nhà nước từ cấp cao nhất và nỗ lực của các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp công nghệ. Công nghệ số đã từng bước thâm nhập vào hoạt động của Chính phủ, các ngành kinh tế và xã hội.
CẢ NƯỚC BƯỚC VÀO HÀNH TRÌNH CHUYỂN ĐỔI SỐ
Tại Diễn đàn cấp cao Chuyển đổi số Việt Nam 2021, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng nhận xét năm 2021, Việt Nam phải đối mặt với vô vàn khó khăn, thách thức do đại dịch Covid-19. Trong bối cảnh đó, chuyển đổi số đã trở thành xu thế tất yếu và là một động lực mới để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, góp phần đẩy lùi dịch bệnh và phục hồi kinh tế.
Chuyển đổi số năm 2021 bước đầu đã đạt được một số kết quả. Rõ ràng nhất là nhận thức về chuyển đổi số trong cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và toàn dân đã được nâng cao. Công nghệ số đã từng bước thâm nhập vào hoạt động của Chính phủ, các ngành kinh tế - xã hội, ông Dũng nhấn mạnh.
Ở quy mô quốc gia, Ủy ban quốc gia về Chuyển đổi số được thành lập trên cơ sở kiện toàn Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử, đưa Việt Nam trở thành một trong số các quốc gia tiên phong trên thế giới có Thủ tướng Chính phủ trực tiếp là Chủ tịch Ủy ban. Điều này thể hiện ý chí, quyết tâm mạnh mẽ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong thúc đẩy chuyển đổi số từ Trung ương đến cơ sở.
Đặc biệt, tháng 6/2021 Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021-2025 định hướng 2030.
Năm chuyển đổi số quốc gia đã đánh dấu sự khởi động tích cực ở mọi cấp, ngành, mọi lĩnh vực, mọi địa phương và toàn xã hội. Đánh giá kết quả chuyển đổi số, Cục Tin học hóa, Bộ Thông tin và Truyền thông, cho rằng thời gian qua, nhận thức về chuyển đổi số đã có những chuyển biến tích cực.
Đến nay, đa số các bộ, ngành, địa phương đã xây dựng và bắt đầu triển khai các chương trình, đề án, kế hoạch về chuyển đổi số. Đã có 20 tỉnh và 5 bộ đã kiện toàn lại ban chỉ đạo chuyển đổi số, trong đó có 4 bộ và 15 chủ tịch tỉnh là người đứng đầu. Cùng với đó, có 85 bộ, ngành, địa phương ban hành nghị quyết, chương trình về chuyển đổi số.
Trong lĩnh vực cải cách hành chính, Cổng dịch vụ công quốc gia đi vào vận hành hơn một năm qua đã tích hợp gần 3.000 dịch vụ công trực tuyến, góp phần tiết kiệm hàng nghìn tỉ đồng và hàng chục triệu giờ công lao động.
Đặc biệt, trong giai đoạn dịch bệnh, ứng dụng các nền tảng Make in Vietnam của các doanh nghiệp công nghệ số đã đóng góp thiết thực và hiệu quả cho công tác phòng chống dịch, phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ mục tiêu kép. Nhiều nền tảng, ứng dụng phòng, chống dịch trên quy mô quốc gia đã được xây dựng cấp tốc và phát huy hiệu quả. Bộ Thông tin và Truyền thông đã triển khai phát triển ứng dụng PC-Covid phục vụ cho công tác phòng, chống dịch trên cả nước.
Trong y tế, mạng lưới Telehealth với 1.000 cơ sở y tế khám chữa bệnh từ xa mới được kết nối đã thu hẹp khoảng cách y tế giữa các cấp và các vùng miền; giảm tỉ lệ chuyển tuyến từ 30% xuống còn dưới 10%, tiết kiệm hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm. Trong lĩnh vực giáo dục, Việt Nam đã có 79,9% học sinh phổ thông học trực tuyến…
Chuyển đổi số trong năm 2021 đã phát huy hiệu quả vai trò không chỉ trong phòng chống dịch, mà còn giúp kinh tế, xã hội vận hành, tạo tiền đề để phục hồi và phát triển trong tương lai. Chuyển đổi số cũng giúp tạo ra nhiều ngành nghề kinh doanh mới, tạo ra việc làm cho hàng chục nghìn lao động.
Số liệu thống kê cho thấy, năm qua số lượng doanh nghiệp công nghệ số tăng thêm 5.600 so với năm 2020. Mặc dù đại dịch bùng phát nhưng số lượng và doanh thu của doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam vẫn tăng trưởng gần 10%. Nhiều sản phẩm số Việt Nam tiêu biểu đã hướng vào giải các “bài toán” của Việt Nam.
Theo vneconomy.vn